Giải dù lượn Đà Nẵng 2014

Giải dù lượn Đà Nẵng 2014

Nằm trong chuỗi các sự kiện “Điểm hẹn mùa hè 2014” nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch tới Đà Nẵng. Sở VHTT & DL Đà Nẵng phối hợp với CLB Dù Lượn Hà Nội & CLB Dù Lượn Đà Nẵng tổ chức giải Dù Lượn Đà Nẵng 2014. ( viết tắt DLDN2014)
Giải DLDN2014 tổ chức với mong muốn góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển bộ môn Dù Lượn ở Việt Nam đồng thời là cơ hội để các phi công trên cả nước giao lưu & trao đổi kinh nghiệm.
BTC trân trọng kính mời các phi công dù lượn Việt Nam cả 3 miền tham dự giải DLDN2014. Sau đây là thông tin giải đấu.

I. THÔNG TIN GIẢI ĐẤU

  • Ban tổ chức: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng.
  • Đơn vị phối hợp thực hiện: CLB Dù Lượn Hà Nội, CLB Dù Lượn Đà Nẵng
  • Thời gian:Từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 06 năm 2014
  • Địa điểm: Bán đảo Sơn Trà,  TP Đà Nẵng
  • Tọa độ: 16.1179, 108.2738
  • Độ cao điểm cất cánh 580m
  • Độ cao điểm hạ cánh 0m
  • Chênh lệch độ cao 580m
  • Nội dung thi đấu Hạ cánh chính xác
  • Số vòng tối thiểu 1 vòng
  • Số vòng tối đa 7 vòng
  • Ngày luyện tập chính thức Ngày 27 tháng 06 năm 2014

II. CHƯƠNG TRÌNH CỦA GIẢI

  • Tháng 6 27, 2014
    • 8:00 am - 11:00 amLàm thủ tục đăng ký VĐV.- Địa điểm tại KS Cánh Buồm. - Thời gian bắt đầu từ 8h - 11h. Ai làm xong thủ tục có thể lên bãi bay thử gió luôn. Nội Dung: - Bốc thăm chọn số thứ tự. - Đóng tiền tham dự thi - Hoàn thành các form thông tin cần thiết.
    • 9:30 am - 4:00 pmBay thử bãi, tính điểm dự phòngCác VĐV bay thử bãi có tính điểm dự phòng.
    • 5:00 pm - 6:00 pmHọp phổ biến kỹ thuật & quy chế giải.Toàn bộ VĐV họp phổ biến về quy chế & kỹ thuật trong giải. Địa điểm tại Khách Sạn Cánh Buôm.
    • 7:00 pm - 9:30 pmTiệc tối chào mừng các VĐV.Tiệc tối chào mừng các VĐV và các đoàn tham gia. Giao lưu các Phi công trên cả nước. Địa điểm tại nhà hàng Phước Thái, số 16-18 Hồ Nghinh, Q Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
  • Tháng 6 28, 2014
    • 8:00 am - 9:00 amLễ khai mạcLễ khai mạc Giải Dù lượn Đà Nẵng 2014
    • 10:00 am - 6:00 pmNgày thi đấu thứ 1Bắt đầu thi đấu các vòng 1, 2, 3 & 4 tùy điều kiện thời tiết và số lượng vận động viên tham gia.
  • Tháng 6 29, 2014
    • 7:00 am - 4:00 pmNgày thi đấu thứ 2Tiếp tục thi đấu các vòng 5, 6 & 7 tùy điều kiện thời tiết và số lượng vận động viên tham gia.
    • 4:00 pm - 5:00 pmLễ bế mạcLễ bế mạc và trao giải thưởng cho các vận động viên.

III. ĐĂNG KÝ THAM GIA

Các VĐV đăng ký tham gia thi đấu tại link sau. Hạn đăng ký và nộp lệ phí thi đấu đến ngày 13/06/2014.
http://duluonvietnam.com/dang-ky/

IV. LỆ PHÍ THAM DỰ

1. Lệ phí tham dự là 1.500.000 Đ (một triệu năm trăm ngàn đồng) bao gồm:
  • 3 bữa trưa (1 ngày luyện tập chính thức & 02 ngày thi đấu)
  • Di chuyển từ điểm hạ cánh và điểm cất cánh
  • Áo chính thức của giải
  •  Giấy chứng nhận tham gia giải.
  • Chi phí bữa liên hoan gặp gỡ các Phi Công tham dự giải. (~300.000 vnđ)

2. Cách thức nộp:
Chuyển khoản
THÁI THỊ HÀ PHƯƠNG.
Ngân hàng Techcombank, CN Hoàn Kiếm: STK:  137 2129 2878 018.
Hoặc Vietcombank, CN Hà Nội: STK 0021001466410.
Số đt Phương (Milu): 091.437-5503
(hạn cuối ngày 13/06/2014)
3. Lệ phí tham dự không bao gồm các chi phí sau:
• Chi phí khách sạn của vận động viên trong các ngày thi đấu.
• Chi phí ăn sáng và ăn tối của vận động viên.

VI. ĐIỀU LỆ GIẢI DLDN2014

1. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU
1.1. Mục đích
- Nằm trong chuỗi các sự kiện “Điểm hẹn Mùa hè 2014” nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch tới Đà Nẵng.
- Kiểm tra và đánh giá kỹ thuật của điểm bay Sơn Trà và năng lực tổ chức  điều hành giải dù lượn của CLB Dù lượn Hà Nội và thành phố Đà Nẵng nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức Giải Cúp Dù lượn Thế giới tại Đà Nẵng trong năm tiếp theo.
- Góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của bộ môn dù lượn ở Việt Nam và tăng cường hòa nhập với các hoạt động thể thao dù lượn của các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
- Là cơ sở để tiến tới xây dựng hệ thống các giải thi đấu dù lượn hàng năm trong nước, và trở thành một giải thi đấu dù lượn chính thức trong hệ thống thi đấu dù lượn của các nước Đông Nam Á.
1.2. Yêu cầu
- Tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo công bằng, chính xác; an toàn tuyệt đối, tiết kiệm, hiệu quả cao.
- Có tác động thúc đẩy phong trào tập luyện và thi đấu dù lượn ở địa phương đăng cai và các địa phương, đơn vị khác.
2. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM
2.1. Thời gian: từ ngày 27/6 đến 29/6/2014

- Ngày 27/6:
+ 08h00-11h00: Tiếp đón và đăng ký cho các vận động viên và các đoàn tham dự Giải Dù lượn Đà Nẵng 2014.
+ 13h30-17h30: Bay thử bãi, có tính điểm dự phòng.
+ 18h30: Tiệc tối chào mừng vận động viên và các đoàn tham gia.
- Ngày 28/6:
+ 08h00-9h00: Lễ khai mạc Giải Dù lượn Đà Nẵng 2014.
+ 10h00-17h00: Bắt đầu thi đấu các vòng 1, 2, 3 & 4 tùy điều kiện thời tiết và số lượng vận động viên tham gia.
- Ngày 29/6:
+ 8h00-17h00 : Tiếp tục thi đấu các vòng 5, 6 & 7 tùy điều kiện thời tiết và số lượng vận động viên tham gia.
+ 16h00-17h00: Lễ bế mạc và trao giải thưởng cho các vận động viên.
2.2. Địa điểm:  Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
- Điểm cất cánh: 571m ASL, hướng cất cánh: Nam & Đông
- Điểm hạ cánh: 0m ASL, cách điểm cất cánh 2,5km, bãi biển Thọ Quang
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN THAM DỰ
3.1. Đối tượng
- Các vận động viên dù lượn của Việt Nam, tổng số dự kiến là 40-50 vận động viên.
- Các vận động viên dù lượn tham gia giải này là những vận động viên tiêu biểu của Việt Nam đang tham gia tập luyện và sinh hoạt thường xuyên tại các CLB Dù lượn trong cả nước và các vận động viên dù lượn có trình độ và kinh nghiệm của các nước trong khu vực.
3.2. Điều kiện
Các vận động viên phải có bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế trong thời gian thi đấu. Nếu không có sẽ không được thi đấu.
4. TÍNH CHẤT VÀ NỘI  DUNG  THI  ĐẤU
4.1.  Nội dung thi đấu
Tranh giải cá nhân (nam và nữ) và đồng đội thi hạ cánh chính xác.
4.2. Trang phục
Mũ bảo hiểm, giầy cao cổ, và các trang bị bảo hộ cá nhân cần thiết như bị gối, bịt khuỷu, găng tay, v.v. do vận động viên  tự trang bị;
4.3. Tổ chức thi đấu
Thi đấu 7 vòng tính điểm cá nhân nam nữ riêng với mỗi vòng thi, vận động viên có điểm số thấp nhất sẽ có vị trí cao nhất.
5. LUẬT THI ĐẤU
5.1. Số vòng thi đấu
- Tối đa là 7 vòng
- Tối thiểu là 1 vòng
5.2. Thứ tự cất cánh
- Thứ tự cất cánh của các vận động viên sẽ được bốc thăm vào ngày thi đấu đầu tiên.
- Các ngày thi đấu tiếp theo, vị trí xếp hạng chung sẽ xác định thứ tự cất cánh.
- Với vòng thi đấu cuối, các vận động viên sẽ cất cánh theo thứ tự ngược lại so với vị trí xếp hạng thi đấu hiện tại. Ban tổ chức sẽ cung cấp cho mỗi vận động viên số để dán trên cánh dù (phần giữa mặt dưới) và dán trên mũ.
5.3. Cất và hạ cánh
- Vận động viên tham gia thi đấu phải có kỹ năng cất cánh tốt với gió bằng không cũng như gió mạnh. Ở điểm cất cánh, người chỉ huy điểm bay cất cánh hoặc Trưởng ban tổ chức có quyền quyết định tạm dừng hoặc cho thôi hẳn một vận động viên nào đó không tham gia cuộc thi nếu người đó cho thấy không thể cất cánh một cách an toàn trong điều kiện gió và thời tiết trong phạm vi cho phép bay.
- Một lần cất cánh hỏng hoặc nảy sinh vấn đề uy hiếp an toàn ngay sau khi cất cánh (không phải do vận động viên kiểm tra thiếu chu đáo trước khi bay) mà dẫn đến phải hạ cánh ở điểm cất cánh, hoặc không trúng đích, sẽ được cất cánh lại đối với vòng thi đấu đó.
- Vận động viên phải cất cánh và bay theo thứ tự đã được công bố, trừ khi được chỉ huy điểm cất cánh cho phép trước đó. Vận động viên phải đeo số thi đấu của mình trong mỗi lần cất cánh để dễ quan sát như đã hướng dẫn khi đăng ký. Vận động viên chưa sẵn sàng bay theo thứ tự này khi được gọi lên để cất cánh hoặc cất cánh không được sự cho phép của chỉ huy điểm bay sẽ phải nhận điểm tối đa. Vận động viên không có mặt tại điểm cất cánh sẽ được ghi là vắng mặt trong kết quả của vòng thi đấu đó và số điểm nhận được sẽ là tối đa. Vận động viên nào không bay sẽ được ghi là không thực hiện bay và số điểm nhận được sẽ là tối đa ở vòng thi đó. Vận động viên bay lại có thể bay theo thứ tự bất kỳ do chỉ huy điểm bay quy định. Việc bay lại cũng có thể được thực hiện trong vòng thi tiếp theo.
- Giãn cách cất cánh giữa các vận động viên là 90 s/người.
5.4. Thời gian chuyến bay
- Vận động viên phải hạ cánh gần như đúng theo thứ tự cất cánh.
- Vận động viên phải bay về khu vực đích ngay sau khi đã lấy đủ độ cao.
5.5. Tiếp cận hạ cánh
Các vận động viên đều được quyền như nhau trong hạ cánh chạm đích. Các vận động viên được cho phép đủ thời gian bay đến khu vực đích thẳng từ điểm cất cánh và thực hiện tiếp cận hạ cánh một cách cẩn thận vào điểm đích.
5.6. Hạ cánh chính xác
- Các vận động viên ghi điểm theo khoảng cách tính bằng xăng ti mét (cm) tính từ điểm chạm đất đầu tiên của cơ thể trong phạm vi từ mép đĩa đặt tại tâm đến điểm xa nhất là 500 cm;
- Khu vực đo tính điểm sẽ được đánh dấu bằng các vòng 2,5 m và 5 m;
- Phải tiếp đất bằng chân.  Không được để ngã và nếu vận động viên bị ngã thì sẽ nhận điểm tối đa;
- Ngã được coi là khi mà bất kỳ phần nào của cơ thể hoặc thiết bị (trừ hệ thống tăng tốc hay để chân) chạm đất trước khi cánh dù chạm đất;
- Nếu vận động viên tiếp đất bằng cả 2 chân cùng lúc và điểm chạm đầu không thể xác định thì điểm xa nhất của vết chân được tính;
- Vận động viên hạ cánh ngoài vùng đích phải báo cho tổ trọng tài càng sớm càng tốt. Nếu không làm điều này sẽ bị mất quyền khiếu nại để bay lại.
5.7. Tín hiệu mất an toàn
- Tín hiệu để vận động viên đang bay trên không rời khỏi khu vực tâm đáp vì lý do an toàn sẽ do người trọng tài đứng ở tâm vẫy cờ hiệu màu đỏ hoặc theo lệnh qua bộ đàm.
- Vận động viên được phép cất cánh lại nếu có tín hiệu mất an toàn trong trường hợp có 2 vận động viên cùng tiếp cận khu vực tâm tính điểm cùng lúc.
5.8. Cách ghi điểm
- Điểm của cá nhân là tổng tất cả điểm mà vận động viên đó đạt được sau bẩy (7) hoặc nhiều hơn vòng thi đấu đã hoàn tất, bỏ đi điểm xấu nhất.  Người chiến thắng sẽ là vận động viên đạt tổng số điểm thấp nhất của tất cả các vòng bay trong kỳ thi đấu.
- Để xác định đội vô địch, tất cả các điểm số của 3 thành viên tốt nhất trong đội sẽ được tính. Tính cả những điểm xấu nhất trong tính điểm của đội. Nếu đội nào có ít hơn 3 vận động viên, thì sẽ nhận điểm tối đa đối với mỗi vòng thi đấu mà không có vận động viên tham gia.
5.9. Kết quả
Ngay khi kết thúc mỗi vòng thi, trọng tài sẽ đưa kết quả thi đấu lên bảng thông báo. Đây là điểm thi đấu tạm thời có ghi rõ ngày giờ. Phải nộp mọi khiếu nại về điểm số tạm thời lên Ban tổ chức trong vòng 2 giờ kể từ khi kết quả thi đấu được công bố, trừ vòng cuối cùng, khiếu nại phải nộp trong vòng 1 giờ.
5.10. Bay nguy hiểm
Trong trường hợp được coi là bay nguy hiểm:
- Lần đầu vi phạm: cảnh cáo;
- Lần thứ hai: điểm số tối đa cho vòng thi đấu;
- Lần thứ ba vi phạm: loại khỏi cuộc thi;
- Trọng tài chính và chỉ huy điểm bay sẽ báo cáo với Trưởng tiểu ban an toàn và Trưởng ban tổ chức giải về sự cố bay nguy hiểm và đưa ra biện pháp xử lý thích hợp;
- Đối với các vi phạm quy định khác: cũng được xử lý tương tự như đối với bay nguy hiểm.
5.11. Luật và Quy chế thi đấu
- Luật thi đấu của Liên đoàn Thể thao Hàng không Quốc tế (FAI) về hạ cánh chính xác phần 7c.
- Luật và các quy định riêng của giải Giải Dù lượn Đà Nẵng 2014 được xem xét và áp dụng trước.
5.12. Kinh phí
- Các địa phương, đơn vị, cá nhân tự túc kinh phí tham gia giải.
- Lệ phí tham dự giải cho mỗi Vận động viên là 1.200.000 đồng (một triệu hai trăm ngàn đồng) nộp về Ban tổ chức giải.

6. HỒ SƠ VÀ ĐĂNG KÝ THI ĐẤU

6.1. Đăng ký
- Vận động viên điền và gửi mẫu đăng ký và nộp lệ phí về Ban Tổ Chức trước ngày 15/06/2014. Ban tổ chức sẽ không chấp nhận đăng ký muộn quá thời hạn trên.
6.2. Giấy tờ vận động viên dù lượn cần mang theo
- Tờ khai mẫu đăng ký tham gia thi đấu;
- CMTND (hoặc thẻ vận động viên hợp lệ).
- Bộ dù lượn và trang thiết bị trong điều kiện còn sử dụng được (airworthiness).
Các Trang thiết bị sau đây là bắt buộc:
  • Vòm Dù Chính
  • Đai ngồi có đệm lưng.
  • Dù Phụ
  • Thanh tăng tốc (speed bar)
  • Bộ đàm (radio)
  • Mũ bảo hiểm dành cho dù lượn.
+ Ban tổ chức sẽ kiểm tra thiết bị dù lượn của vận động viên trong thời gian đăng ký để đảm bảo là tất cả các vận động viên tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn. Vận động viên phải có mặt khi kiểm tra bộ dù lượn, đai ngồi, dù phụ, và các thiết bị liên quan của bộ dù lượn được dùng để bay.
- Thẻ bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn cá nhân. Vận động viên phải nêu rõ điều này trong khi điền mẫu đăng ký. Vận động viên sẽ ký cam kết miễn trừ trách nhiệm đối với Ban tổ chức và những người liên quan khi hoàn thành thủ tục đăng ký.
6.3. Số lượng vận động viên tham gia
- Tổng số vận động viên là 40 (có thể ít hay nhiều hơn tuỳ theo số lượng tham gia), được chia thành 8 đội mỗi đội gồm 5 vận động viên, thi đấu theo thể thức bốc thăm.
- Thành phần của đội thi đấu có thể là vận động viên ở các địa phương khác nhau và không được phép thay đổi trong suốt quá trình thi đấu

7. NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC

7.1. Họp/Thông báo
Ban tổ chức sẽ tổ chức các buổi họp để đảm bảo tất cả mọi vận động viên, quan chức và trọng tài tham dự có thông tin đầy đủ, các lần họp khác thì các đội có thể cử đội trưởng hoặc trưởng đoàn và huấn luyện viên tham dự.
7.2. Người bay thử gió
Những người bay thử gió sẽ được thông báo cho tất cả vận động viên trong buổi họp đầu tiên, họ là những vận động viên có kinh nghiệm và quen với địa hình điểm bay.
7.3. Trọng tài
- Tổ trọng tài:
Trọng tài chính và trọng tài là những người có năng lực và kinh nghiệm làm trọng tài tại các cuộc thi đấu trong nước và quốc tế về hạ cánh chính xác.
- Công tác trọng tài:
Tất cả các trọng tài sẽ được cấp một bản quy định đối với trọng tài (Phần 7c[1]) mà họ phải tuân thủ. Bất kỳ trọng tài nào đều có thể bị đình chỉ bởi trọng tài chính cùng với Trưởng ban tổ chức giải nếu người trọng tài đó không đáp ứng các tiêu chuẩn của quy định trọng tài, hoặc là có các hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức giải thi đấu.
7.4. Tiểu ban an toàn
- Trưởng tiểu ban an toàn và tiểu ban an toàn được lập ra với trách nhiệm giám sát tất cả các khía cạnh về an toàn, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở những việc: giải quyết tất cả các thắc mắc của vận động viên tại cuộc họp về an toàn, tham dự tất cả các cuộc họp với vận động viên, kiểm tra các điều kiện khí tượng và đặc biệt là tốc độ gió ở điểm cất cánh và điểm đích hạ cánh, kiểm tra giãn cách bay giữa các vận động viên, ngăn chặn các vận động viên cất cánh với các trang thiết bị không an toàn, lập báo cáo tai nạn và và thông báo kết luận tại cuộc họp với các vận động viên.
- Trưởng tiểu ban an toàn cùng với Trưởng ban tổ chức giải có thể ngừng hoạt động thi đấu vì lý do an toàn. Trưởng tiểu ban an toàn là người có kiến ​​thức và kinh nghiệm về điểm bay và phải có kinh nghiệm thi đấu dù lượn. Tiểu ban an toàn bao gồm: Trưởng ban tổ chức giải (hoặc trưởng tiểu ban kỹ thuật), Chỉ huy điểm cất cánh (hoặc phó), thành viên của tổ trọng tài, tối thiểu hai vận động viên có kinh nghiệm (là các vận động viên tham gia thi đấu).
7.5. Quy trình cấp cứu
Trong thời gian thi đấu sẽ có một đội y tế với trang thiết bị phù hợp đặt tại khu vực hạ cánh, chịu trách nhiệm sơ cứu và vận chuyển bằng xe cứu thương trong khoảng 10 phút đến cơ sở y tế gần nhất trong quận Sơn Trà hoặc 30 phút đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
7.6. Không phận:
Không phận sẽ được dành riêng cho các vận động viên thi đấu mà không có bất cứ hạn chế nào.
7.7. Liên lạc bằng bộ đàm:
Không được sử dụng bộ đàm hoặc các thiết bị liên lạc khác trong khi bay thi đấu, trừ trường hợp khẩn cấp.
Không được sử dụng bộ đàm cho mục đích cung cấp các thông tin tạo lợi thế khi thi đấu hoặc chỉ huy hay hướng dẫn bay.
Chỉ được phép dùng bộ đàm vì lý do an toàn và giữ liên lạc giữa ban tổ chức giải với trưởng đoàn và các phi công. Phải sử dụng các tần số mà Ban tổ chức quy định riêng cho an toàn chỉ cho mục đích an toàn. Tần số chính thức sử dụng trong cuộc thi sẽ được thông báo trước khi thi đấu.
Vận động viên nào bị phát hiện sử dụng bộ đàm để cung cấp hay nhận thông tin tạo lợi thế khi thi đấu hoặc chỉ huy hay hướng dẫn bay sẽ bị đình chỉ thi đấu và kết quả thi đấu của vận động viên sẽ bị hủy.
7.8. Bay tự do:
Các vận động viên tham gia thi đấu hoặc các vận động viên bên ngoài không được phép bay tự do tại điểm thi đấu trong thời gian tổ chức giải hoặc trong thời gian ngừng thi đấu giữa chừng, trừ trường hợp Chỉ huy điểm cất cánh và Trưởng ban tổ chức giải thông báo là điểm bay được mở cho bay tự do nhưng các vận động viên không được phép tiếp đất ở khu vực đích có vòng tròn tính điểm.
7.9. Quy định chung:
Quy định của Ban tổ chức:
- Thi đấu cá nhân: nếu có bẩy (7) hoặc nhiều hơn vòng thi đấu hợp lệ, điểm thi đấu kém nhất của từng vận động viên được bỏ đi.
- Thi đấu đồng đội: mỗi đội gồm: mỗi đội bao gồm tối đa là năm (5) vận động viên. Vận động viên không được thay đổi đội trong suốt quá trình thi đấu.
- Cách tính điểm của đội: điểm tốt nhất mỗi vòng của ba (3) thành viên được tính vào kết quả đồng đội, nhưng không bỏ bất cứ điểm nào trong tính điểm đồng đội.
- Nghĩa vụ của vận động viên:
+ Vận động viên phải có CMTND (hoặc thẻ vận động viên hợp lệ), thẻ bảo hiểm y tế và tai nạn, bảo hiểm cho bên thứ ba (bảo hiểm tai nạn phải bao gồm cả điều khoản vận chuyển về nước[2]).
+ Vận động viên cần điền và hoàn tất thủ tục đăng ký thi đấu theo mẫu đơn đăng ký của ban tổ chức giải.
+ Sau khi điền mẫu đăng ký và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tham gia của Ban tổ chức thì vận động viên mới được xác nhận là tham gia thi đấu.
7.10. Quyền lợi của vận động viên tham gia thi đấu:
- Xe đưa đón hàng ngày từ khách sạn đến điểm bay bao gồm việc đưa đón từ điểm hạ cánh lên điểm cất cánh trong quá trình thi đấu;
- Áo phông đặc biệt kỷ niệm Giải Dù lượn Đà Nẵng 2014.
- Bữa ăn trưa trong các ngày thi đấu.
7.11. Ưu tiên và tránh nhau trên không:
Các vận động viên phải tuyệt đối tuân thủ các quy tắc ưu tiên và tránh nhau trên không với mục đích cao nhất là tránh va chạm và tránh xảy ra mất an toàn.

8. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

8.1. Ban tổ chức trao giải:
- Giải nhất, nhì, ba cá nhân nam và nữ được trao cho các vận động viên có kết quả thi đấu tốt nhất trong giải;
- Giải nhất, nhì, ba đồng đội được trao cho các đội có kết quả thi đấu tốt nhất.
8.2. Những thành viên vi phạm các quy định của Ban tổ chức, các quy chế của Liên đoàn, Luật thi đấu, điều lệ giải sẽ tùy theo mức độ, bị xử lý theo các hình thức kỷ luật hiện hành.
8.3. Các mức phạt sẽ được quyết định bởi Trưởng ban tổ chức giải sau khi đã thảo luận với Tiểu ban Kỹ thuật.
8.4. Khiếu nại và kháng nghị:Khiếu nại và kháng nghị được giải quyết theo thủ tục nêu tại Phần 7c[3] và mục tổng quát a. Khiếu nại phải do lãnh đạo đội gửi lên Trưởng hoặc phó ban tổ chức giải, và cần thực hiện hết sức nhanh chóng để giải quyết kịp thời. Các bước thủ tục là như sau:
- Ngay khi hạ cánh vận động viên không ký vào biên bản ghi kết quả vòng thi đấu mà báo cho trọng tài chính hoặc trọng tài là mình phản đối kết quả và nói rõ lý do phản đối và phần luật lệ liên quan;
- Đội trưởng của vận động viên này sẽ nộp kháng nghị bằng văn bản không trong vòng hai giờ lên trọng tài chính là người sẽ quyết định họp các trọng tài nếu cho là cần thiết;
- Phí kháng nghị là 500.000 vnđ, sẽ được trả lại nếu kháng nghị được chấp nhận.

9.  ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Ban tổ chức và các đoàn tham gia giải thi hành điều lệ. Chỉ có Trưởng ban tổ chức giải mới có quyền thay đổi Điều lệ và có thông báo trước cho các đơn vị.


[1]Luật thi đấu của Liên đoàn Thể thao Hàng không Quốc tế (FAI), xem ở đây: http://www.fai.org/downloads/civl/SC_7C.
[2] Quy định này áp dụng trong trường hợp có vận động viên nước ngoài tham gia thi đấu và khi gặp tai nạn thì có thể chuyển về nước ngay được (emergency evacuation)
[3]Tất cả các cuộc thi hạ cánh chính xác đều sử dụng luật này của Liên đoàn Thể thao Hàng không Quốc tế (FAI) “FAI Sporting Code, Section 7C – Class 0, Paragliding Accuracy, Class III”, xem ở đường dẫn này: http://www.fai.org/downloads/civl/SC_7C

إرسال تعليق